Nhu cầu xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới đã giúp dòng tiền thuần (tiền thu được trong một kỳ sau khi trừ tất cả chi phí) tại BYD Co. tăng 8.312%. Đây là quý mà công ty do Warren Buffett ghi nhận dòng tiền thu được lớn nhất trong vòng 6 năm qua.
Trong báo cáo thu nhập công bố hôm 28/4, nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết dòng tiền ròng từ các hoạt động kinh doanh đạt 11,9 tỷ NDT (tương đương 1,8 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm. Nguyên nhân tăng chủ yếu nhờ tiền mặt "nhận được từ việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ."
Trên tổng thể, BYD ghi nhận doanh thu 66,8 tỷ NDT (~10,08 tỷ USD), tăng 63%. Thu nhập ròng cũng tăng 241% lên 808,4 triệu NDT (~121 triệu USD) trong cùng kỳ.
Warren Buffett (phải) và Charlie Munger (người ở giữa) trong một sự kiện ra mắt xe của BYD. Ảnh: Getty Images
Bridget McCarthy, nhà phân tích nghiên cứu thị trường tại quỹ đầu cơ Snow Bull Capital Inc., nhận định dòng tiền ròng trong quý đầu tiên tại BYD lâu nay luôn ở mức yếu. Theo bà, sự bứt phá trong quý I/2022 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho BYD bùng nổ trong cả năm nay, nhất là trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất pin đang tăng vọt.
Trong quý đầu tiên, BYD đã giao 286.329 xe sử dụng năng lượng mới (NEV), tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm 2021. BYD đặt mục tiêu bán được khoảng 1,5 - 2 triệu NEV trong năm 2022.
Vào năm 2008, theo lời khuyên từ "phó tướng" Charlie Munger, Buffett đã đầu tư 232 triệu USD cho 10% cổ phần tại một công ty xe hơi Trung Quốc ít tên tuổi có tên là BYD. Thời diểm đó, cả Munger và Buffett đều bị cuốn hút bởi tầm nhìn của nhà sáng lập BYD - một nhà hóa học chuyển sang kinh doanh tên là Wang Chuanfu. Trước khi chuyển sang lĩnh vực ô tô, ông Chuanfu là người đã xây dựng một trong những nhà sản xuất pin điện thoại có thể sạc lại lớn nhất thế giới.
BYD phát triển thần tốc và trở thành một trong những thương vụ giá trị nhất tại Berkshire Hathaway. Tính đến cuối năm 2020, số cổ phần mà tập đoàn nắm giữ tại BYD đã được định giá 5,9 tỷ USD - tăng 25,4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.