2020: Kẻ khóc, người cười trong một năm giá vàng "nhảy múa" khôn lường

19:31 17/01/2021

Có những thời điểm, các nhà đầu tư lập tức bị bốc hơi đến 200 USD/once chỉ trong chưa đầy 1 tuần.

Giá vàng 2020 - Một năm "nhảy múa" cùng các chỉ số 

Bùng nổ vào năm 2019 khi tăng chóng mặt đến 11%, giới đầu tư vẫn dành nhiều kỳ vọng cho thị trường vàng khi đà tăng đấy tiếp tục được giữ vững và mở đầu năm 2020 đầy hứng khởi với mức 1.528 USD/ounce. 

Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, nơi đây trở thành tâm điểm chú ý và gây hoang mang cho giới đầu tư khi số ca bệnh không ngừng gia tăng. Tại thời điểm cuối tháng 2, khi có đến 4.000 người tử vong vì căn bệnh này cũng là lúc giá trị kim loại quý bật lên mạnh mẽ, chạm mốc 1.682 USD/once. Giới phân tích cho rằng, chính sự hoành hành không thể kiểm soát của dịch bệnh đã khiến tâm lý các nhà đầu tư bất an, tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. 

Đỉnh điểm nhất là vào ngày 9/3, trong bối cảnh Covid-19 không còn dừng chân ở Trung Quốc mà bắt đầu lan rộng sang nhiều quốc gia khác, vàng đã lập đỉnh kỉ lục trong 8 năm với mức thị giá 1.704 USD/once. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm, giá trị kim loại quý này đã phi mã hơn 10%.

Giá vàng 2020 ghi nhận một năm trồi - sụt về giá, lúc vọt đỉnh, lúc lập đáy.

Giá vàng 2020 ghi nhận một năm trồi - sụt về giá, lúc vọt đỉnh, lúc lập đáy.

Phía ngược lại, giá trị đồng bạc xanh rơi vào chiều suy giảm khiến giới chức Mỹ buộc phải đưa ra những chính sách cấp bách để cứu lại nền kinh tế. Cụ thể, cuối tháng 3/2020, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức công bố sẽ cắt giảm lãi suất vay cơ bản về 0.

Bên cạnh đó, chính quyền Washington cũng tung ra hàng loạt chương trình nới lỏng định lượng quy mô đến 700 tỷ USD thông qua việc mua trái phiếu chính phủ. Ngay lập tức, giá vàng quay đầu giảm rồi chạm đáy ở 1.470 USD/ounce vào ngày 24/3. Vậy là chỉ trong 2 tuần, giá kim loại quý đã bốc hơi đến 200 USD/ounce. 

Tại thời điểm này, giá vàng trong nước cũng theo đà thế giới giảm khoảng hơn 2 triệu, về mức 45,9 triệu đồng/lượng sau khi đạt đỉnh gần 48 triệu vào cuối tháng 2.

Dù vàng giảm sâu, nhưng giới phân tích cho rằng, nhu cầu trú ẩn vào vàng vẫn còn rất lớn

Dù vàng giảm sâu, nhưng giới phân tích cho rằng, nhu cầu trú ẩn vào vàng vẫn còn rất lớn

Quý II/2020 được thế giới ghi nhận là "nỗi ám ảnh kinh hoàng" của nền tài chính toàn cầu khi GDP của nhiều cường quốc đều giảm kỷ lục. Số liệu của Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) chỉ ra GDP ở xứ cờ hoa giai đoạn này đã rơi vào mức giảm kỷ lục, xấp xỉ 33%, cao gấp 4 lần con số 8,3% tại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. 

Không chỉ Mỹ mà một loạt các nước lớn khác như Nhật Bản, Pháp, Anh... đều ghi nhận mức giảm GDP lớn từ 14 - 27,8%. Song song với đó, các chỉ số khác như tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, đầu tư, chi tiêu... cũng đi xuống đồng loạt. Trong đó, tiêu dùng cá nhân - yếu tố chiếm 2/3 GDP Mỹ, ghi nhận mức giảm 34,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chóng mặt. Chỉ tính riêng ở Mỹ, chỉ sau 5 tháng bùng dịch, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 1,43 triệu người và tăng lên mức 20,5 triệu ngưười vào đầu tháng 8, mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.

Bóng đen kinh tế đè nặng, đồng USD suy yếu, lại là lúc giá vàng liên tục leo thang với biên độ giao động mạnh, có thời điểm lên tới 60 - 80 USD/phiên. 

Giá vàng thế giới liên tục đi lên trong tháng 7 và 8/2020.

Giá vàng thế giới liên tục đi lên trong tháng 7 và 8/2020.

Nhịp điều chỉnh mạnh của giá kim loại quý được thúc đẩy hơn nữa khi mẫu thuẫn giữa hai cường quốc kinh tế thế giới leo thang. Washington dùng biện pháp mạnh để đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng việc cho dừng hoạt động của các nhà ngoại giao xứ cờ hoa ở Thành Đô.

Tất cả những yếu tố trên đã đẩy cao giá vàng quý II/2020, phá vỡ 2 ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce và 1.900 USD/ounce chỉ trong 1 tuần. Ở thời điểm đó, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết cũng ở mức cao đột biến, 55 - 56,4 triệu đồng/lượng. 

Những chính sách hỗ trợ, gói kích thích kinh tế liên tục được phê duyệt và bổ sung vẫn không thể "an ủi" tâm lý của các nhà đầu tư khi con số người mắc Covid-19 gia tăng theo cấp số nhân trên toàn cầu. Sự bất an đó như mồi lửa thổi bùng lên giá trị của kim loại quý lên đỉnh cao nhất mọi thời đại vào ngày 6/8 ở mức 2.076 USD/ounce. Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy 8 tháng năm 2020, giá vàng đã tăng đến 36%.

Giá vàng trong nước vào thời điểm nóng đó cũng vươn lên 62,3 triệu đồng/lượng, tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm. 

Vượt qua quý II nóng bỏng, giá vàng giảm dần và bình ổn theo nhiều tin tức tốt đẹp của thế giới. Đặc biệt, với những thông tin về vaccine Covid-19 được Nga công bố, giá vàng rơi thẳng đứng, dập tắt nỗ lực leo thang suốt 1 tháng trước đó. Giá vàng thế giới trở về mốc 1.800 USD/once, kéo theo giá vàng miếng SGJ giảm gần 12 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 tuần, giá giao dịch vào những ngày cuối tháng 10 chỉ còn 47,4 - 49 triệu đồng/lượng. 

Càng lùi về gần cuối năm, những thông tin tích cực về vaccine phòng chống Covid-19 cũng như diễn biến khả quan của cuộc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng đã đưa giá vàng về hẳn mức bình ổn cho đến những ngày cuối năm. Kết thúc một năm đầy biến động, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 ở mức 1.880 USD/once trong khi giá vàng trong nước dừng ở mức 55,5 triệu đồng/lượng. 

Dự đoán giá vàng 2021: "Đà tăng sẽ không dừng bước" 

Đó là nhận định được Goldman Sachs đưa ra trong báo cáo dự kiến giá vàng năm mới. Theo đó, kim loại quý này có thể sẽ tiếp tục tăng chạm mốc 2.300 USD/ounce (tương đương gần 65 triệu đồng/lượng) vào năm 2021.

Sự suy yếu của đồng USD là cơ sở cho dự báo trên của Goldman. Đồng bạc xanh này dự kiến sẽ có sự sụt giảm nhẹ khoảng 6%. Ngoài ra, một yếu tố khác có sức ảnh hưởng đến giá vàng chính là đồng Bitcoin nổi lên như một điểm sáng với các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, giám đốc đầu tư Patrick Armstrong của Plurimi Wealth cho rằng dù giá Bitcoin có triển vọng tăng cao hơn nhưng rủi ro đi kèm là quá lớn. Ông cho rằng với lịch sử lâu đời, vàng vẫn sẽ giữ vững tư cách một kênh lưu trữ giá trị và vì thế, đà tăng của kim loại quý này khả năng sẽ không suy giảm trong năm 2021. 

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới