16 năm vành đai 2 vẫn đứt mạch
Hàng ngày chở hàng bằng xe container từ Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) vào cảng Cát Lái, anh Bùi Xuân Toàn luôn ngán ngẩm với cảnh ùn tắc, kẹt xe. Từ nhà máy, xe của anh Toàn chỉ có đường duy nhất là theo Quốc lộ 1, đến Xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định hoặc Đồng Văn Cống để vào cảng Cát Lái.
Ngán nhất là đoạn từ đường Mai Chí Thọ và đường Nguyễn Thị Định, bởi tại đây có nút giao An Phú là điểm giao của tuyến cao tốc, vì vậy phải chờ đèn đỏ rất lâu, có khi hơn 30 phút mới qua khỏi nút giao này. “Vào dịp Tết, xe vào cảng lấy hàng nhiều, kẹt xe kéo dài đến Xa lộ Hà Nội, có tài xế ngủ quên trên xe vì kẹt đường quá lâu”, anh Toàn kể.
Cũng thường xuyên chở hàng từ Biên Hoà lên cảng Cát Lái, anh Quốc Tuấn cho rằng nếu đường Vành đai 2 nối thông từ Gò Dưa (QL1) đến Phạm Văn Đồng - Xa lộ Hà Nội - Võ Chí Công sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.
“Vành đai 2 rộng hơn 60m, có làn riêng cho xe tải, xe container. Từ Xa lộ Hà Nội rẽ vào nút giao Bình Thái đến đường Võ Chí Công là vào thẳng Cát Lái, không phải mất đường vòng đi đến Mai Chí Thọ thường kẹt như hiện nay”, anh Tuấn nói.
Thế nhưng, việc nối thông vành đai 2 là kế hoạch hơn 16 năm qua mà TP.HCM chưa thực hiện được. Một tuyến đường được xem là huyết mạch như vành đai 2 nhưng lại bị… “đứt mạch” đã kéo theo nhiều ảnh hưởng không nhỏ cho bài toán hạ tầng giao thông của đầu tàu kinh tế cả nước.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM nhiều lần bức xúc rằng sau bao nhiêu năm thống nhất, thành phố vẫn chưa khép kín được một vành đai nào, trong khi Hà Nội đã làm vành đai 4, điều đó kéo theo hệ luỵ rất lớn về kinh tế - xã hội, ùn tắc, kẹt xe.
Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng trên địa bàn TP.HCM đều được vận chuyển bằng đường bộ, chiếm gần 90%. Chỉ tính riêng cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 ô tô ra vào thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, dẫn chứng tình trạng kẹt, ùn tắc xe mỗi năm khiến TP.HCM thiệt hại hơn 6 tỷ đô la.
Vì vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM ông Bùi Văn Quản, thành phố cần nhanh chóng triển khai xây dựng để khép kín vành đai 2, không những vậy còn phải mở rộng hoàn chỉnh toàn tuyến thì mới đáp ứng nhu cầu.
Vành đai 2 TP.HCM được quy hoạch cách đây 16 năm, tổng chiều dài hơn 64km, đến nay đã hoàn thành 50km. Còn 4 đoạn với chiều dài 14km chưa được khép kín gồm: đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), đoạn 4 từ nút giao An Lạc đến Nguyễn Văn Linh (Q.7).
Thực tế, 50km các đoạn tuyến của đường Vành đai 2 đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác gồm: đoạn tuyến Quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, đường Vành đai phía Đông, cầu Rạch Chiếc… không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà góp phần chỉnh trang đô thị. Những khu đô thị như: Trung Sơn (Bình Chánh), Phú Mỹ Hưng (Q.7) dọc đường Nguyễn Văn Linh, các khu dân cư mới xây dựng tại phường Phú Hữu, Thạnh Mỹ Lợi, dọc đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, kéo giãn dân cư, chia tải cho khu trung tâm.
Trong khi đó, những đoạn chưa hoàn thành qua Thủ Đức như: khu Tăng Nhơn Phú, Bình Thái, Bình Thọ, Trường Thọ… hiện còn ngổn ngang. Dọc các trục đường này là hàng loạt khu căn hộ đã bàn giao, cư dân đã vào sinh sống đông đúc, cũng như nhiều dự án mới liên tục được triển khai phục vụ nhu cầu an cư rất lớn của người dân khu vực. Vì vậy, hơn lúc nào hết, yêu cầu kết nối hoàn chỉnh tuyến vành đai 2 cần triển khai cấp thiết.
Bao giờ khép kín vành đai 2?
Trong 4 đoạn vành đai 2 chưa khép kín, có đoạn số 3 (từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa) đã được triển khai thi công từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng theo hình thức BT. Tuy vậy, dự án cũng đã tạm dừng từ năm 2019 đến nay.
Ông Trần Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái cho biết, địa phương chậm bàn giao mặt bằng, đồng thời chờ TP.HCM xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án, ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất...
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4, UBND TP.HCM đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận sử dụng 4 khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Còn phía Thủ Đức cũng đang tích cực bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh bàn giao mặt bằng trong quý 2/2023 để tái khởi động lại dự án.
Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức còn đoạn 1 và đoạn 2 từ cầu Phú Hữu đến đường Phạm Văn Đồng dài hơn 6km nhiều năm qua đã đề xuất các hướng đầu tư nhưng chưa có vốn. Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất đầu tư 2 đoạn này bằng nguồn ngân sách với tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỉ đồng.
Trong đó, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư giai đoạn 1 là gần 8.600 tỉ đồng. Đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, tổng vốn hơn 8.400 tỉ đồng. Đoạn 4 dài 5,3 km, từ An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỉ đồng.
Theo ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện nay chi phí vận tải chiếm tới 65% chi phí logistics ở TP.HCM. Vì vậy ngành giao thông đang tích cực huy động các nguồn vốn để từng bước đầu tư hệ thống giao thông. “Nếu chúng ta hoàn chỉnh nhanh quy hoạch trong thời gian tới, trong đó có vành đai 2 và các tuyến đường vào cảng biển, chi phí vận tải sẽ giảm được rất nhiều, từ đó tăng tính cạnh tranh đối với mặt hàng xuất nhập khẩu”, ông An nói.
Đặt câu hỏi vậy lúc nào thành phố sẽ khép kín vành đai 2? Ông An cho biết, trong 14 tuyến đường được lên danh sách ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn thu phí hạ tầng cảng biển có tuyến vành đai 2.
“Hiện, Sở đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện GPMB năm 2024 - 2025 và thi công ngay sau đó", ông An cho biết.